Ong là loài động vật có tính tự vệ cao, chúng dễ tấn công đối phương ngay khi cảm thấy đang bị đe dọa. Khi bị ong vò vẽ đốt, người bệnh có thể chỉ đau chỗ bị cắn nhưng cũng có trường hợp nguy kịch do sốc phản vệ. Dưới đây là một số kiến thức các bạn nên biết về việc cần làm gì khi ong vò vẽ đốt, để giảm tối đa biến chứng nguy hiểm của tai nạn này.
Có thể dễ dàng nhận biết ong vò vẽ qua hình ảnh bên ngoài. Chúng có bụng thon, thân dài hơn ong mật thông thường, thân mình màu vàng, có nhiều vạch đen ở giữa, không có lông xù ở trên đầu như ong mật. Ong vò vẽ thường kiếm ăn ở gần mặt đất trên những khu vực nhiều cây cỏ, rừng và cả những khu đất hoang. Vì đặc điểm kiếm ăn như vậy, nên tổ của chúng có thể không ở quá cao, ở ngay trên các bụi cây, hay mái nhà, khá gần với nơi sinh hoạt lao động của con người, vì vậy tai nạn do ong vò vẽ cao hơn các loại ong khác
Có thể bạn chưa biết:
- Sáp ong có tác dụng gì? Những công dụng của ong vò vẽ
- Tìm hiểu đặc điểm của ong vò vẽ và cách nhận biết tổ ong
- Thức ăn của ong vò vẽ là gì? Chúng có đặc điểm gì thú vị?.
Ong vò vẽ đốt có nguy hiểm không?
Ong vò vẽ cũng được biết đến là loài ong có đặc tính hung hãn số một tại Việt Nam. Không những vậy, nọc của nó cũng có khá nhiều chất độc đối với cơ thể con người. Nọc ong vò vẽ được lưu trữ ở các túi nọc ở phần bụng và tiết ra theo tại vòi nằm ở phía sau. Ngay khi nhận thấy không an toàn, có sự can thiệp vào khu vực sống của mình. Nọc ong không chỉ gây đau tại vết cắn mà còn có thể khởi phát phản ứng dị ứng, nặng có thể gây sốc phản vệ, gây tử vong.
Đặc điểm vết cắn do ong vò vẽ
Vết ong vò vẽ cắn thường rất đau, da xung quanh đỏ, rất ngứa, sưng nề quanh vết cắn. Mới đầu người bệnh chỉ đau chói là do vòi ong đâm vào da, nhưng chỉ sau vài phút các chất trong nọc ong ngấm dần vào da, chuyển sang cảm giác đau rát bỏng. Vài giờ xuất hiện hoại tử trắng ở giữa vết ong cắn, phù nề xung quanh. Ở thể nhẹ này, vết cắn sau 2 đến 3 tuần sẽ tự lành lại hoàn toàn.
Vết cắn của ong vò vẽ ở vùng nào sẽ gây sưng nề vùng đó. Nếu bị ong đốt ở hầu họng, dễ dẫn đến đường thở bị chèn ép do tổ chức phù nề xung quanh, gây khó thở, thở rít. Nếu bị cắn ở quanh mắt, không chỉ phù nề bên ngoài, mà còn gây viêm mống mắt, thủy tinh thể, tăng nhãn áp. Trong trường hợp ngòi ong xuyên thẳng vào mạch máu sẽ gây nguy hiểm hơn nhiều, do nọc ong trực tiếp vào máu gây các phản ứng dị ứng toàn thân.
Các biến chứng nguy hiểm do ong vò vẽ đốt
Ong vò vẽ đốt có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
- Phản ứng phản vệ chiếm tỉ lệ thấp khoảng 3 – 8%, nhưng khi xảy ra thì rất nặng nề. Sốc phản vệ xảy ra ngay sau khi bị ong vò vẽ đốt từ vài phút đến vài giờ, và tỉ lệ tử vong cao trong những giờ đầu. Sốc phản vệ có biểu hiện da đỏ, nổi mề đay, ngứa toàn thân, buồn nôn, nôn nhiều, đau bụng, có thể gây co thắt phế quản gây khó thở, có trường hợp dẫn đến suy hô hấp, thậm chí ngừng tuần hoàn.
- Suy chức năng đa cơ quan cũng có thể xuất hiện do độc tố của nọc ong, bao gồm gan, thận, tim, máu đều bị ảnh hưởng. Nọc ong gây hoại tử tế bào thận, gây suy thận. Tại máu, nọc độc làm tan các hồng cầu, gây tan máu, xuất huyết, rối loạn đông máu. Đối với cơ quan tiêu hóa gây buồn nôn, tiêu chảy, nặng thì làm hoại tử các tế bào gan. Cơ quan thần kinh, nọc ong gây yếu cơ, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, co giật, thậm chí hôn mê.
Cần làm gì khi ong vò vẽ đốt
Trước đây, mọi người chỉ tìm cách làm vết thương bị ong đốt giảm sưng và giảm đau nhanh nhất. Nhưng nếu chỉ chú trọng xử trí vết thương tại chỗ mà chúng ta có thể bỏ qua các dấu hiệu toàn thân nguy hiểm cần xử trí ngay. Vì vậy cần tiến hành sơ cứu khi bị ong đốt theo các bước nhanh chóng, đầy đủ và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn quan trọng. Vậy Ccần làm gì khi ong vò vẽ đốt?
Sơ cứu ở giai đoạn đầu khi vừa bị ong vò vẽ đốt
Thực hiện tuần tự như sau:
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong vò vẽ ngay. Trong trường hợp ong vò vẽ vẫn tiếp tục tấn công, người cứu cần mặc quần áo kín và dùng vải để che chắn cho nạn nhân không bị đốt thêm.
- Sau đó, tiến hành rửa vết ong vò vẽ đốt bằng xà phòng và nước sạch, nếu có dùng nước muối sinh lý.
- Giảm đau, giảm sưng vết ong đốt bằng cách chườm lạnh. Dùng đá lạnh bọc trong khăn rồi chườm 15 – 30 phút hàng ngày.
- Không cần băng kín vết đốt, tránh cho vết đốt không bị bẩn, để tránh khả năng bị nhiễm trùng.
- Rửa, sát khuẩn vết cắn hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc cồn y tế.
- Nâng cao vùng bị đốt lên để giảm sưng nề.
- Khi bị ngứa quá nhiều bạn có thể dùng các thuốc kháng histamin đường uống hoặc bôi tại chỗ.
Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm sau, hãy đưa người bệnh tới cơ sở y tế để cấp cứu càng nhanh càng tốt bạn nhé:
- Ong đốt ở các vị trí nguy hiểm như đầu, mặt, cổ hoặc ong đốt một lúc nhiều vị trí.
- Người bị đốt biểu hiện vài tiếng sau bị đốt: Ngứa, nổi mề đay toàn thân, khó thở, thở rít, suy hô hấp, mệt mỏi, nôn nhiều, tiêu chảy,… đây là các dấu hiệu sốc phản vệ. Nạn nhân cần được đến bệnh viện ngay để cấp cứu kịp thời.
Có thể bạn chưa biết:
- Xạ hương – Khám phá nàng thơ diệu kỳ của thế giới nước hoa
- Kiến ba khoang – tìm hiểu về loài côn trung độc hại này
Ong vò vẽ đốt vẫn là tai nạn chiếm tỉ lệ cao đặc biệt vùng nông thôn nước ta. Bị ong đốt có thể nhẹ nhưng cũng có thể diễn biến toàn thân nguy kịch đặc biệt với những người có cơ địa dị ứng. Vì vậy chúng ta có thể chủ động phòng tránh để không bị ong đốt bằng các cách như thường xuyên phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa môi trường xung quanh, không dùng que chọc phá tổ ong, khi bị ong bay quanh đứng im tại chỗ không được chạy, đối với người nuôi ong lấy mật cần có đầy đủ quần áo bảo hộ, đảm bảo nguyên tắc an toàn lao động. Biết được cần làm gì khi ong vò vẽ đốt đúng cách có thể ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm.