Triệu chứng khi ăn phải lá ngón như thế nào? Lá ngón là loại cây có độc tính cao thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ngộ độc lá ngón dường như gây tử vong rất nhanh chóng. Đối phó với tình huống khẩn cấp này cần đòi hỏi cấp cứu nhanh chóng và tích cực, trong đó quan trọng nhất là xử trí rối loạn nhịp tim, kiểm soát hơi thở tốt và ngừng cơn co giật.
Lá ngón là một trong 4 loại cây cực độc. Nó được ví như thuốc độc cần cảnh giác vì chỉ cần ăn phải lá này là bạn sẽ tử vong ngay lập tức. Do đó nhận biết triệu chứng khi ăn phải lá ngón rất quan trọng, bởi nếu chẳng may ăn phải mà không biết sẽ vô cùng nguy hiểm.
Nhận biết lá ngón như thế nào?
Lá ngón hay còn gọi là ngón vàng, cây rút ruột,… Đây là loại cây xuất hiện phổ biến ở các vùng miền núi phía Bắc. Nó được xếp vào danh sách 4 loại cây cực độc, đe dọa đến tính mạng con người.
Cây lá ngón có thân và cành không có lông. Lá có hình thuôn dài, mọc đối xứng, nhẵn bóng, đầu nhọn. Thông thường, lá ngón dài 7 – 12cm và rộng 2.5 – 5.5cm. Chúng thường mọc thành từng chùm ở đầu cành. Hoa lá ngón thường nở vào các tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh hoa. Quả của lá ngón có màu nâu, hình thuôn dài, rộng khoảng 0.5cm, nhẵn bóng. Lá bao quanh hạt khá nhỏ, màu nâu nhạt. Các cành non thì lá có màu xanh nhạt khi già lá chuyển dần sang màu nâu nhạt.
Lá ngón độc hại như thế nào?
Thành phần gây chết người của loài thực vật này là alkaloid có trong toàn bộ cây. Độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân. Alkaloid có thể gặp ở những loài thực vật khác. Ngoài ra còn xuất hiện ở một số động vật. Đặc biệt alkaloid có hoạt tính sinh lý cao với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid có thể gây chết người. Akaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh thông qua đường tiêu hóa chỉ trong 5 – 30 phút, thời gian tử vong trung bình là 1 – 7 giờ.
Công dụng của lá ngón
Ở Việt Nam, do cây có độc tính cao nên không được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, ở Bắc Mỹ và Trung Quốc, rễ lá ngón được dùng để chữa động kinh hoặc giảm đau, nhưng cũng rất ít được sử dụng. Cần lưu ý trong việc phân biệt lá ngón. Cụ thể lá ngón được đề cập trong bài rất nguy hiểm còn có loại lá ngón không có độc có thể dùng làm thức ăn, mọc hoang khắp rừng núi miền Bắc. Cây cao khoảng 5 – 6m, lá kép, mép lá có răng cưa, mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông. Hoa mọc chụm lại, hơi có lông. Quả mọc thành hoa rủ dài khoảng 45cm, hạt dài 15 – 17mm, rộng 23mm, hơi có lông.
Mặc dù lá ngón có độc và không có độc đều có thân leo nhưng nhìn kỹ sẽ thấy sự khác biệt đó là lá ngón không độc có dạng hình tròn và ngắn, lá to bằng bàn tay. Chúng thường được chế biến thành các món ăn như luộc, nấu canh, xào với tỏi.
Triệu chứng khi ăn phải lá ngón
Triệu chứng khi ăn phải lá ngón, nạn nhân ngay sau khi ăn hoặc uống nước lá, rễ, thân, hoa, quả của cây lá ngón:
- Đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, vã mồ hôi, yếu cơ, khó cử động, nặng có thể dẫn đến liệt cơ hoàn toàn.
- Giãn đồng tử làm nhạy cảm với ánh sáng, chói, sụp mí, liệt cơ hàm dưới khiến hàm bị tụt xuống và miệng không ngậm được.
- Thở yếu, thở chậm dẫn đến suy hô hấp, nhịp tim chậm, huyết áp thấp có thể dẫn đến ngừng tim.
- Tăng phản xạ gân xương, co giật. Các nạn nhân tử vong do liệt cơ, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn. Nếu không phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 1 – 7 giờ sau khi ngộ độc.
Cách sơ cứu khi ngộ độc lá ngón
Khi nhận biết một người bị nhiễm độc lá ngón, phương pháp xử lý ngộ độc ban đầu là nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể, ví dụ như móc họng, kích thích gây nôn sau đó đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để loại bỏ chất độc bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch.
Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ nhanh chóng kiểm tra chức năng hô hấp của bệnh nhân, thở oxy, đặt nội khí quản trong trường hợp nặng. Trong khi cấp cứu, hoạt động tim mạch và huyết áp phải được theo dõi chặt chẽ.
Nếu bệnh nhân còn tỉnh, bác sĩ sẽ khuyến khích gây nôn để tống chất độc ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân hôn mê thì bác sĩ sẽ tiến hành rửa dạ dày.
Sau đó, bệnh nhân có thể dùng than hoạt để tống các chất độc còn sót lại trong đường tiêu hóa ra ngoài. Nếu bệnh nhân lên cơn co giật thì bác sĩ sẽ tìm cách để kiểm soát. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc huyết áp, điều trị nhịp tim, chống suy thận cấp, lọc máu, bổ sung đủ nước, chất điện giải trong một số trường hợp.
Để giảm nguy cơ tử vong, ngoài sơ cứu ngộ độc và dùng thuốc, bác sĩ sẽ điều trị các rối loạn khác như rối loạn đông máu (nếu có), dùng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng.
Việc cấp cứu chỉ hiệu quả dưới 1 giờ nếu được loại bỏ độc tố. Nếu đợi quá lâu thì khả năng cứu sống nạn nhân là khó đạt được. Vì vậy khi bệnh nhân vừa ăn lá ngón nên tiến hành gây nôn bằng cách kích thích hầu họng, không dùng thuốc để gây nôn, vì đến khi thuốc phát huy tác dụng mới nôn ra, bệnh nhân có thể bị liệt hầu họng, co thắt, dễ ngạt phổi.
Hy vọng những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức về ngộ độc lá ngón và nhận biết triệu chứng khi ăn phải lá ngón. Độc tính trong lá ngón khá cao và có thể khiến người ăn phải tử vong ngay lập tức. Trong cuộc sống hằng ngày, mọi người nên phân biệt loại lá này để tránh ăn phải và gặp hậu quả đáng tiếc.