Trang chủ Động vật hoang dã Con muỗi - Loài côn trùng nhỏ bé nhưng đầy nguy hiểm 

Con muỗi – Loài côn trùng nhỏ bé nhưng đầy nguy hiểm 

Chắc hẳn bạn không còn xa lạ gì với con muỗi. Nó có ở khắp mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn và ai cũng ít nhất một lần từng bị muỗi đốt. Nhưng con muỗi có đặc điểm như thế nào? Vòng đời và quá trình phát triển ra sao? Các loại muỗi và các bệnh do muỗi thường gặp là gì? Nếu bạn chưa biết về những điều đó thì hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Giới thiệu chung về con muỗi

Con muỗi là loài sinh vật thuộc lớp côn trùng, họ Culicidae và nằm trong bộ Hai cánh ( Diptera). Chúng đã xuất hiện và tồn tại trên trái đất khoảng 170 triệu năm. Loài muỗi có một đôi cánh cứng và một đôi cánh vảy, có thân rất mỏng và các chân dài.

Muỗi có những đặc điểm gì?

Con muỗi sinh sống chủ yếu ở những nơi ẩm ướt, trong các ao hồ hoặc các vũng nước đọng,… Chúng sẽ đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành ấu trùng hay còn gọi là loăng quăng hoặc con bọ gậy. Sau một thời gian sống trong nước, ấu trùng phát triển thành nhộng rồi thành muỗi trưởng thành, bay khỏi mặt nước. 

Muỗi sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nhất trong khoảng nhiệt độ  20-25 độ C. Vì vậy, loài muỗi thường xuất hiện ở các nước nhiệt đới, Việt Nam cũng nằm trong số đó. Tùy theo loài và nhiệt độ môi trường sống mà con muỗi sẽ có tuổi thọ từ vài tuần cho đến một tháng.

Muỗi có vòng đời như thế nào?

Vòng đời của con muỗi bao gồm 4 giai đoạn. Đó là: trứng muỗi => ấu trùng (bọ gậy) => nhộng => muỗi trưởng thành.

  • Giai đoạn đầu tiên tính từ khi muỗi đẻ trứng vào trong nước.
  • Giai đoạn 2 là trứng muỗi nở thành ấu trùng hay còn gọi là bọ gậy sau khoảng thời gian 2-3 ngày. Bọ gậy phát triển dần dần dựa vào nguồn thức ăn từ vi khuẩn, tảo và các vi sinh vật trong nước.
  • Tiếp đó, nó chuyển sang giai đoạn thứ 3 trong vòng đời: nhộng. Và cuối cùng, nhộng biến thái thành muỗi trưởng thành và bay lên khỏi mặt nước.

Vòng đời của một con muỗi
Vòng đời của một con muỗi

Đặc tính của muỗi

Muỗi là loài có tập tính đẻ trứng và chích hút. Kích thước của chúng tùy thuộc theo loại nhưng hiếm có loại nào lớn hơn vài milimet và có trọng lượng chủ yếu tầm 2-2,5mg. Một con muỗi có thể bay với tốc độ khoảng 1,5 -2,5 km/h.

Không phải tất cả các loài muỗi đều hút máu người và động vật. Sự thật là chỉ có muỗi cái mới hút máu bởi chúng cần thêm máu để có đủ protein nuôi trứng. Với cấu tạo cơ thể có cái vòi dạng đặc biệt, có thể xuyên thủng qua da người và động vật, muỗi cái sau khi xác định mục tiêu qua mùi vị và cảm nhận nhiệt mới hút máu. 

Muỗi đực không có vòi đặc biệt thích hợp để hút máu, chúng chỉ hút nhựa cây và hoa quả để bổ sung dinh dưỡng. Tuổi thọ của con muỗi đực ngắn và có vai trò chính là thụ tinh cho con cái. Trong khi đó, muỗi cái có tuổi thọ dài hơn, chúng hầu hết chỉ giao hợp một lần trong vòng đời và chứa tinh trùng trong túi chứa tinh. 

Các loại muỗi thường gặp ở Việt Nam

Con muỗi có rất nhiều chủng loại khác nhau với những đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta, thường gặp và phổ biến nhất là 3 loại sau:

Muỗi Aedes (còn gọi là muỗi vằn)

Loại muỗi này ban đầu được tìm thấy chủ yếu ở các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Những hiện nay, chúng đã sinh sống ở hầu khắp các vùng đất khác nhau ngoại trừ Nam Cực.

Muỗi Aedes (muỗi vằn) có những vằn đen trắng đặc trưng
Muỗi Aedes (muỗi vằn) có những vằn đen trắng đặc trưng

Muỗi vằn khi trưởng thành có hình dáng đặc trưng nổi bật với phần chân trắng, vòi và cánh màu đen và các xúc tu có đầu trắng. Lưng giữa của con muỗi vằn có những vệt trắng như hình chiếc đàn lia với 2 sọc ở giữa, nổi lên trên là những vệt đen.

Bên cạnh đó, trứng của muỗi vằn cũng có màu đen với hình dạng như quả bóng bầu dục. Ấu trùng của loài này thường nằm ở góc  45 độ so với mặt nước. Khác với các loại khác, muỗi vằn thường kiếm ăn ban ngày, thường tập trung vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối, trước tầm 2 giờ khi mặt trời mọc và lặn hàng ngày.

Có thể nói, muỗi vằn là con muỗi vô cùng nguy hiểm khi chúng là tác nhân gây ra nhiều dịch bệnh làm chết người như: sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng da và đặc biệt là vi rút Zika gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh đã xảy ra gần đây.

Muỗi Anopel 

Anopel là loại muỗi có số lượng lớn gần như lớn nhất ở nước ta. Chúng có phần chân dài bằng với chiều dài của vòi, trên cánh có các vệt đen trắng và thường đậu ở góc 45 độ so với bề mặt nước. Trứng của con muỗi này dài khoảng 1mm và có phao hai bên. Khi trứng nở thành ấu trùng thì nó nằm song song với mặt nước.

Một con muỗi Anophel sau khi hút no máu
Một con muỗi Anophel sau khi hút no máu

Con muỗi Anophel hầu hết thường hoạt động khi trời tờ mờ sáng hoặc nhập nhoạng tối, chỉ có một số ít hoạt động ban đêm. Một số loại sẽ kiếm ăn trong nhà, số khác lại tìm kiếm ở không gian bên ngoài. Loại này thích sống ở môi trường nước sạch, không ô nhiễm.

Muỗi Anophel là nguyên nhân gây nên bệnh sốt rét nguy hiểm. Trước đây, chúng sinh sống chủ yếu trong rừng và hút máu các loài động vật như khỉ, vượn để sinh sống. Vì vậy, sau này chúng đã lây truyền bệnh từ động vật sang con người khi chích hút những người đi rừng.

Muỗi Culex

Một con muỗi Culex khi trưởng thành có chiều dài từ 4 đến 10mm. Cấu tạo cơ thể gồm đầu, ngực, bụng được phân chia rõ rệt. Hai cánh trước nằm ngang trên vùng bụng khi ở trong trạng thái nghỉ và hai cánh sau ngắn lại, thu nhỏ mỗi khi bay.

Culex là loài muỗi có màu nâu sậm 
Culex là loài muỗi có màu nâu sậm

Có thể bạn quan tâm:

Loài muỗi Culex này có màu nâu sậm. Trứng của chúng dài, có hình trụ và cũng màu nâu. Trứng muỗi Culex thường nằm thẳng đứng so với mặt nước và kết tạo thành bè gồm khoảng 300 trứng.  Bè trứng này có kích thước dài 3-4mm và rộng 2-3mm.

Những vùng nước ngọt như hồ bơi, bể chứa nước, vũng nước là môi trường sinh sống chủ yếu của con muỗi Culex. Chúng thường hoạt động vào ban đêm và là loài có khả năng bay quãng đường dài.

Culex được xem là tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho cả con người và động vật. Có thể kể tới những bệnh như sốt rét ở gia cầm, bệnh sốt tây sông Nile và đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản vô cùng nguy hiểm.

Tác hại của con muỗi

Như những thông tin ở trên, muỗi là loại động vật nguy hiểm và gây ra nhiều dịch bệnh, gây hại cho sức khỏe cho cả người lớn và trẻ em. Các bệnh do con muỗi làm lây lan thường có tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng. Vào mùa mưa ở các nước trong vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, số lượng muỗi gia tăng nhanh, thường có nguy cơ tạo thành các dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm màng não,…

Theo số liệu thống kê của bộ y tế, tháng 9/2021 nước ta có 49.113 ca sốt xuất huyết và 18 người tử vong. Và tính đến giữa tháng 6/2022, số ca mắc sốt xuất huyết là gần 40.000 ca, 36 ca tử vong và có nguy cơ bùng phát trở thành dịch bệnh lớn năm 2022 khi các ca mắc bệnh tại các tỉnh thành tăng mạnh và tỷ lệ trở nặng cao.

Thực chất, con muỗi không có khả năng gây bệnh mà nó là vecteur truyền các loại virus gây bệnh, chúng là ký chủ trung gian của virus gây ra bệnh. Vì vậy, cốt lõi của vấn đề khi muốn khống chế, kiểm soát dịch bệnh là phải tiêu diệt ký chủ trung gian này.

Các biện pháp phòng chống muỗi

Để hạn chế bị con muỗi đốt nhằm tránh nguy cơ bị mắc các bệnh từ chúng, mọi người có thể thực hiện một số cách sau:

Luôn giữ môi trường sống sạch sẽ, khô ráo

Con muỗi sinh sôi và phát triển mạnh mẽ trong môi trường tối và ẩm ướt. Vì vậy, hãy giữ nhà cửa luôn sạch sẽ, thoáng mát và có nhiều ánh sáng để thu hẹp môi trường sinh trưởng của chúng. Bên cạnh đó, bạn hãy thường xuyên nạo vét cống rãnh, xử lý các nơi đọng nước, phát quang bụi rậm, cây cối để con muỗi không có chỗ trú ngụ.

Áp dụng các biện pháp dân gian

Để tiêu diệt các ấu trùng muỗi trong bể nước, bạn hãy thả một vài con cá hoặc lươn vào trong bể. Ngoài ra, sử dụng các nguyên liệu từ thiên nhiên như tinh dầu sả, tinh dầu quế, tinh dầu hoa oải hương hoặc trồng các loại cây có mùi hương đuổi con muỗi như cúc vạn thọ, hoa dạ hương,…

Sử dụng các thiết bị bẫy muỗi bằng điện

Đèn bẫy muỗi là một thiết bị diệt muỗi khá hiệu quả. Nó có một đèn phát ra ánh sáng hấp dẫn con muỗi và côn trùng tập trung đến, được bao quanh bởi tấm lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi chúng sa vào lưới sẽ có dòng điện nhỏ phóng qua và tiêu diệt. Có thể sử dụng đèn bẫy muỗi ở cả trong nhà và ngoài trời.

Vợt bắt muỗi cầm tay là vợt điện gồm lưới kim loại có điện thế, chạy bằng pin. Loại vợt này tùy thuộc kỹ thuật sử dụng của người dùng mà bắt được con muỗi với số lượng nhiều hay, thường dùng trong nhà.

Sử dụng màn khi đi ngủ

Một trong những cách chống muỗi vô cùng hiệu quả và chi phí thấp là sử dụng màn. Bạn sẽ không còn phải lo lắng bị đốt khi đi ngủ. Từ đó, mọi người sẽ có một giấc ngủ ngon và đảm bảo sức khỏe tốt hơn. 

Trên đây là những thông tin cơ bản và cần thiết mà mỗi người chúng ta nên biết về con muỗi. Mong rằng, thông qua bài viết này, mọi người sẽ có thêm nhiều kiến thức về loài muỗi và áp dụng được những điều đó vào việc phòng tránh muỗi cũng như các dịch bệnh do loài này gây ra hiệu quả.

Đọc nhiều nhất