Đặc tính của cóc là một loài động vật lưỡng cư không có đuôi, chúng có một lớp da sần sùi trông rất đáng sợ, được biết lớp da này có chứa một lượng nọc độc có thể gây ngộ độc cho những ai ăn phải nó. Hiện nay ở Việt Nam có một số họ cóc phổ biến như: họ cóc rừng, họ cóc tía, cóc nước sần, cóc lưỡi tròn, cóc đào hang,… (họ Bufonidae, họ Bombinatoridae, họ Megophryidae, họ Dicroglossidae).
Đặc tính của cóc
Về đặc tính sinh sản thì hầu hết các loài cóc đều sinh sản bằng hình thức thụ tinh ngoài và ở trong môi trường nước. Ở nước ta mùa sinh sản của cóc thay đổi tuỳ từng vùng, thường là vào tháng 11- 3 đến tháng giêng, có khi sang cả tháng 4, có nơi vào tháng 5 – 6. Cóc đẻ nhiều lứa trong một năm. Cóc đẻ trứng trong nước ao, chuôm, ruộng hay rãnh nước hoặc bờ suối.
Độc tố trong con cóc chỉ có một số bộ phận cơ thể như nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng. Độc tố trong cóc không bị nhiệt phân huỷ nên những quan niệm nấu chín thịt cóc sẽ làm mất độc tố là hoàn toàn sai lầm.
Thịt cóc rất giàu dinh dưỡng, cao hơn thịt bò, thịt lợn. Tuy nhiên, khi sử dụng thịt cóc cần hết sức cẩn thận để đảm bảo an toàn vì một số bộ phận của cóc như gan, da, trứng có chứa độc tố. Trong quá trình chế biến, nếu không loại bỏ hết các bộ phận chứa độc tố đúng cách hoặc do thiếu hiểu biết sử dụng luôn cả phần da, nội tang, trứng cóc để ăn thì sẽ gây nên ngộ độc và có thể dẫn đến tử vong.
Các độc tố trong cóc được hấp thu qua đường tiêu hóa, sau khi ăn phải các độc tố này thì sau khoảng 1-2 giờ xuất hiện các triệu chứng đầu tiên về đường tiêu hóa như: chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy sau đó đến triệu chứng như chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, tăng tiết nước bọt, có thể khó thở, ngừng thở, ngừng tim và các triệu chứng khác. Nếu nhựa cóc bắn dính vào trực tiếp niêm mạc mắt xuất hiện bỏng rát, phù nề niêm mạc…
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 3 vụ ngộ độc do độc tố của cóc làm 5 người tử vong (chủ yếu tại 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông) cụ thể: ngày 15/12/2010 tại gia đình ông Ăm M thôn Ba Lòng, xã Ba Tầng huyện Hướng Hóa cũng xảy ra một vụ ngộ độc do ăn phải trứng cóc làm 01 người tử vong và 02 người phải nhập viện cấp cứu; ngày 5/3/2017 tại thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông có 03 em nhỏ từ 12-14 tuổi bị ngộ độc do ăn trứng cóc và 2 em đã tử vong; mới đây ngày 29/6/2022, tại thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, 03 em nhỏ (từ 2 đến 8 tuổi) đã nhặt da, nội tạng, trứng cóc do người dân vứt bỏ tại bể rửa tay trong thôn về nấu ăn, gây ra vụ ngộ độc làm 02 em tử vong. Nguyên nhân tử vong là do các độc tố có trong cóc (Bufalin, Cinobufagin).
Lưu ý khi ăn thịt cóc
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do độc tố trong cóc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị khuyến cáo.
– Tốt nhất và an toàn nhất là loại bỏ thịt cóc ra khỏi nguồn thực phẩm, không ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nếu có sử dụng, trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng, trứng và nhựa cóc lẫn vào thịt.
– Tuyệt đối không được vớt trứng cóc ở các ao, hồ, sông ngòi về ăn.
– Nếu phát hiện có dấu hiệu ngộ độc cần gây nôn chủ động và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
– Ngoài ra, tại các địa phương cần tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng ngừa ngộ độc do các độc tố tự nhiên trong thực phẩm, đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động vật, thực vật lạ có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ quả lạ, côn trùng lạ, cóc, cá nóc,…
Chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa phóng thanh, tờ rơi, áp phích, phối hợp với các cở sở giáo dục đưa vào chương trình học ngoại khóa cho học sinh, sử dụng hình thức tuyên truyền bằng cả tiếng kinh và tiếng dân tộc, để người dân vùng sâu vùng xa dễ tiếp cận hơn.