Ứng dụng của lá ngón như thế nào? Trong cây lá ngón của ta và Trung Quốc có thành phần khác nhưng so với tác dụng của những ancaloit của cây lá ngón Bắc Mỹ thì nhiều phần giống nhau. Cùng tìm hiểu về các ứng dụng của lá ngón nhé.
Mô tả cây
Đoạn là đứt, trường là ruột, tên đoạn trường thảo vì người ta cho rằng uống vị này sẽ bị đứt ruột mà chết Đoạn trường thảo hay cây lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi khía dọc.
Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hay hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hay hơi tù, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12cm, rộng 2,5-5,5cm.
Hoa mọc thành xim ở đầu cành hay kẽ lá. cánh hoa màu vàng.
Quả là một nang dài màu nâu hình thon dài 1cm, rộng 0,5cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận
Mùa ra hoa : tháng 6-8-10.
Phân bố
Cây lá ngón rất phổ biến ở vùng rừng núi Việt Nam. Người ta thường không dùng làm thuốc, mà chỉ dùng để tự tử hay với mục đích đầu độc. Các tỉnh miền núi như Hoà Bình, Hà Tây, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang đều có. Còn có ở một số nước ở vùng nhiệt đới và Á nhiệt đới châu Á. ở Trung quốc người ta thấy ở Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Bắc châu Mỹ có loài Gelsemium semperviens Art
Nhân dân ta hay dùng lá như trên đã nói, trái lại Trung Quốc hay dùng rễ và bán tại các hiệu thuốc để làm thuốc chữa hủi hay chữa bệnh nấm ở tóc (teigne) Cũng được dùng với mục đích đầu độc
Thành phần hoá học
Từ loài cây ngón mọc ở bắc châu Mỹ – Gelsemium semperviens nhiều tác giả đã chiết ra được nhiều loại ancaloit đặt tên là gelsemin C20H22O2N2 có tinh thể, độ chảy 178oC chất gelmixin C19H24O3N2 (lúc trước có tác giả xác định độ chảy 171oC) chất sempecvirin và sempecvin. Hai chất sau tương tự với nhau nhưng độ chảy khác nhau. Tất cả đều có tính độc rất mạnh, gần như tác dụng của strycnin, chất ancaloit trong mã tiền
Năm 1931, Triệu Thừa Cố (Trung Quốc, sinh lý học tạp chí, 1931,5:334 và 1936,10;79) đã nghiên cứu rễ, thân rễ và cành của cây đoạn trường thảo Trung Quốc (Gelsemium elegans) cùng loại với ta, đã chiết xuất được 4 loại ancaloit có tính chất và đặt tên như sau:
Kumin C20H22ON2, độ chảy 170oC, D=2650. Dễ tan trong cồn, khó tan trong ete, không tan trong ete, dầu hoả và nước, tan trong axit sunfuric đặc cho dung dịch không màu, nếu thêm MnO2 sẽ chuyển màu tím nhạt, nhưng nếu thêm kali bicromat sẽ cho màu xanh vàng. Đây là thành phần chủ yếu của cây ngón, chất này không độc lắm
Kuminin vô định hình, không màu, dễ tan trong ete và trong nhiều dung môi hữu cơ khác, khó tan trong nước, từ dung dịch ete để bốc hơi sẽ cho chất có độ chảy thay đổi nhưng trên 115oC. Muối clohydrat có tinh thể không màu hình trụ, độ chảy trên 300oC, tan trong axit sulfuric đặc cho dung dịch không màu, thêm kali bicromat lúc đầu cho màu tím, sau chuyển màu nâu và cuối cùng màu xanh
Kuminixin vô định hình, muối clohydrat tan trong nước, có năng suất quay cực trái
Kuminidin có tinh thể hình trụ không màu độ chảy 200oC có thể tan nhiều trong dung môi hữu cơ và nước, cho muối clohydrat tan trong nước, hoà tan trong axit sunfuric đặc sẽ cho dung dịch không màu, khi thêm kali bicromat sẽ chuyển màu xanh vàng và không xuất hiện màu tím
Tỷ lệ cả bốn loại ancaloit trên trong nguyên liệu là 0,3%. Từ lá ngón Triệu Thừa Cố cũng đã lấy ra được 4 ancaloit là gelsemin, kumin, kuminin và một ancaloit mới đặt tên là kaunide C21H24O5N2, độ chảy 315oC. Muối clohydrat có độ chảy 318oC, chất ancaloit này có tác dụng làm yếu cơ và ức chế hô hấp
Ba tác giả Kỳ Dục Phong, Cao Di Sinh và Hoàng Diệu Tăng (1938, J Am.Chem Soc, 60;1723) đã báo cáo rằng chất mà Triệu Thừa Cố gọi là kuminin và không có tinh thể thực ra không thuần khiết. từ chất này đã tách ra được chất gelsemin và đính chính rằng chất kuminidin có độ chảy 299oC và có công thức là C19H25O4N2
Tóm lại qua các tác giả trên trong cây ngón Gelsemium elegans có gelsemin và kuminidin có tinh thể
Năm 1936, F. Guichard (Compte rendu du X congres de la For Eastern Association of tropical medicine, Hanoi, 1:607-612) nghiên cứu từ cây lá ngón mọc ở Việt nam và đã chiết từ lá. Vỏ thân và rễ cây những chất giống như những chất trong lá ngón Trung quốc. ông đã thấy chất kumin cả trong quả và hạt, và ông còn tìm thấy một chất có huỳnh quang đối với ngoại tím, không tan trong các axit và ghi là thuộc nhóm chất esculetin
Nhưng dù đã nghiên cứu như vậy, việc phát hiện các chất độc trong lá ngón khi bị ngộ độc còn khó khăn, vì phản ứng đặc hiệu tiến hành trên những chất lấy được ở cơ thể người bị ngộ độc, nhất là khi chỉ ăn 3 lá ngón là một việc không dễ dàng
Năm 1953, M.M Janot ở Paris nghiên cứu thành phần ancaloit trong từng phần những mẫu cây lá ngón hái ở miền Nam Việt nam đã thấy trong lá có gelsemin, trong rễ có kumin và toàn thân có semperverin (như vậy là semperverin được phát hiện có trong một loài Gelsemium khác loài Gelsemium semperverin mọc ở Bắc Mỹ)
Năm 1977, Hoàng Như Tố và cộng sự (Tài liệu học tập tham khảo Cục quân y-II, 1977) đã tiến hành thí nghiệm lại theo như Janol nhưng đối với loài lá ngón mọc ở Bắc Việt nam đã thống nhất thấy lá có gelsemin, rễ có kumin còn chưa xác định được rõ ràng kumidin và semperverin
Ứng dụng của lá ngón trong dược lý
Trong cấy lá ngón Bắc Mỹ thành phần chủ yếu là chất gelmixin có độc tính rất mạnh, với liều thấp trên động vật có vú, trước khi thấy hiện tượng ức chế hô hấp thường thấy một thời kỳ hưng phấn ngắn
Trong cây lá ngón của ta và Trung Quốc có thành phần khác nhưng so với tác dụng của những ancaloit của cây lá ngón Bắc Mỹ thì nhiều phần giống nhau. Chất kumin và kuminin ít độc hơn, gần giống tác dụng của gelsemin, chất kuminixin rất độc, nhưng chất gelsemixin lại độc hơn nữa…nhỏ dung dịch gelsemin và gelsemixin lên mắt thì thấy hiện tượng giãn đồng tử còn kumin và kuminin không làm giãn đồng tử
Ngoài thành phần hoá học, Hoàng Như Tố còn kiểm tra truyền thuyết của dân gian nói “chỉ cần ăn 3 lá ngón là đủ chết” đồng thời tìm cơ chế tác dụng của lá ngón để tìm ra cách chống độc có hiệu quả đã đi tới một số kết luận sau:
Liều độc: Liều độc LD50 đối với chuột nhắt trắng của rễ là 102mg/kg thể trọng (rễ chiết bằng cồn 900) của lá là 600mg/kg (tươi chiết bằng nước), 200mg/kg (lá khô chiết bằng nước), 150mg/kg (lá khô chiết bằng cồn 700), 89mg/kg (lá khô chiết bằng cồn 900), của ancaloit toàn phần chiết từ lá khô là 200mg/kg, trong khi đó của gelsemin là 140mg/kg và kumin thì không độc. Như vậy lá ngón có độc, nhưng không đến mức ăn 3 lá đủ chết người như dân gian thường nói
Ứng dụng của lá ngón không đặc hiệu trên hệ thống thần kinh, gây nên co giật và chết do ngừng hô hấp trong một trạng thái thiếu oxy rõ rệt
Nghiên cứu về mặt chống độc cho phép kết luận cơ chế tác dụng của các hoạt chất cây lá ngón chủ yếu đánh vào các men hô hấp gây sự rối loạn trong tế bào dẫn tới sự thiếu oxy nghiêm trọng gây nên các hiện tượng co giật và liệt. phương hướng dùng các thuốc ngăn cản sự ức chế men và bảo trợ men đã dẫn tác giả tìm ra được tính chống độc của ATP. Khi dùng ATP để ngăn ngừa cũng như để điều trị ngộ độc bằng lá ngón đã giảm tỷ lệ chết của chuột nhắt xuống từ 58% còn 25% đã cứu được tất cả thỏ làm thí nghiệm khi đã bị ngộ độc bằng liều chết của lá ngón
Ứng dụng của lá ngón và liều dùng
Nhân dân Việt Nam không dùng cây ngón làm thuốc, ứng dụng của lá ngón chỉ giới thiệu ở đây để chúng ta biết tránh và có thể phát hiện khi bị ngộ độc Tại Bắc Mỹ và Trung Quốc, ứng dụng của lá ngón là dùng rễ chữa bệnh động kinh và giảm đau nhưng cũng rất ít dùng
Chú thích:
Một vài vùng ở nước ta gọi một cây nữa là cây lá ngón. Sự thật cây lá ngón nói trên vào loại độc nhất. cây lá ngón giới thiệu đây còn gọi là cây cơi hay cây lá cơi (phong dương) có tên khoa học là Pterocarya tonkinensis Dode hay Pterocarya stenoptera var. tonkinensis Franchet, thuộc họ Hoa đào (Juglandaceae)
Đây là một cây nhỡ cao chừng 5-6m, lá kép lông chim nhẵn gồm 3-6 đôi lá chét mọc đối hay gần như đối không cuống, phía cuống hơi không đều, mép lá răng cưa nhưng lá chét phía trên to rộng hơn, bóng nhẵn, những lá chét dưới có mặt trên nhẵn, mặt dưới hơi có lông. Hoa cái mọc thành bông nhiều hoa mọc sít nhau, hơi có lông. Quả mọc thành bông thõng xuống, dài tới 45cm hay hơn. Hạt nhỏ dài 15-17mm, rộng 2-3mm hơi có lông có 2 cánh hẹp
Cây này mọc hoang khắp nơi ở miền Bắc nước ta, nhiều nhất vùng rừng núi, có cả ở miền Trung và ở Lào. Nhân dân thường dùng lá giã nát lấy nước để duốc cá, có khi người ta dùng lá nấu nước nhuộm màu nâu kali. Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Trên đây là những ứng dụng của lá ngón.